Có lẽ những ngày qua mẹ đã trải qua biết bao lo lắng và căng thẳng khi bé yêu chào đời sớm hơn mong đợi. Cảm giác bối rối, hoang mang khi phải chăm sóc một thiên thần nhỏ chưa kịp chín mùi chắc hẳn đang làm mẹ lo lắng. Bài viết này, Hera sẽ mang đến cho mẹ những kiến thức cần thiết, từ những điều cơ bản đến những mẹo nhỏ hữu ích trong việc chăm sóc bé sơ sinh non tháng.
1. Tổng quan về trẻ sinh non tháng
1.1 Thế nào là trẻ sinh non tháng?
Trẻ sinh non, hay còn gọi là trẻ sinh thiếu tháng, là những em bé chào đời trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Điều này có nghĩa là bé chưa có đủ thời gian để phát triển hoàn chỉnh trong bụng mẹ, và mang đến nhiều khó khăn đặc biệt trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng.
1.2 Các vấn đề sức khỏe phổ biến của trẻ sinh non tháng
✔️Một trong những điều đầu tiên mẹ sẽ nhận thấy là bé rất nhỏ và nhẹ cân hơn so với các bé sinh đủ tháng
✔️ Làn da của bé thường mỏng manh, có màu hơi đỏ và đôi khi trông gần như trong suốt, vì lớp mỡ dưới da chưa phát triển đủ. Bé có thể có ít tóc, và các lớp lông tơ mềm mịn phủ khắp cơ thể. Khi mẹ chạm vào, bé cảm giác rất mỏng manh, dễ bị tổn thương. Lúc này, bé cần phải được điều trị và hỗ trợ tích cực trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh ( còn gọi là NICU).
✔️Trẻ sinh non không có đủ thời gian trong bụng mẹ để hấp thụ kháng thể từ mẹ, những kháng thể này đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ bé khỏi các tác nhân gây bệnh. Điều này có nghĩa là bé có thể dễ dàng bị cảm lạnh, nhiễm trùng hoặc các bệnh lý khác.
✔️Ở những bé sinh non, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện đồng nghĩa với việc bé có thể gặp khó khăn trong việc bú mớm và hấp thụ dinh dưỡng. Dạ dày và ruột của bé còn rất nhạy cảm và chưa sẵn sàng để xử lý thức ăn một cách hiệu quả như những trẻ sinh đủ tháng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng khó tiêu, đầy hơi, và đôi khi là tiêu chảy.
✔️Không chỉ dừng lại ở đó, trẻ sinh non còn có nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch, đặc biệt là các lỗ hở ở tim không đóng lại như ở trẻ đủ tháng.
✔️Hệ thần kinh của trẻ sinh non còn rất non nớt, các kết nối thần kinh chưa hoàn thiện, và não bộ chưa phát triển đầy đủ. Điều này có nghĩa là bé có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát các cử động cơ thể, phản xạ và thậm chí là việc tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Những cử động của bé có thể không đồng đều và đôi khi yếu ớt, nhưng mẹ đừng lo, với thời gian và sự chăm sóc đúng cách, hệ thần kinh của bé sẽ dần hoàn thiện.
✔️Phổi của trẻ sinh non thường thiếu chất surfactant, một loại chất giúp giữ cho các phế nang (những túi khí nhỏ trong phổi) không bị xẹp. Thiếu chất này, phổi của bé khó có thể mở rộng hoàn toàn, dẫn đến tình trạng suy hô hấp. Bé có thể thở nhanh, thở gấp hoặc thậm chí cần sự hỗ trợ của máy thở để đảm bảo bé nhận đủ oxy. Những ngày đầu sau khi sinh, bé có thể phải nằm trong lồng kính hoặc sử dụng các thiết bị hỗ trợ hô hấp tại bệnh viện.
✔️Bé sinh non có thể mất nhiều thời gian hơn để đạt được các mốc phát triển như lật, ngồi, bò, và đi. Điều này chủ yếu là do cơ thể bé chưa hoàn thiện và cần thêm thời gian để phát triển các kỹ năng vận động và thể chất. Mẹ có thể thấy bé nhỏ nhắn hơn và yếu ớt hơn so với các bạn cùng trang lứa, nhưng mỗi bé đều có tốc độ phát triển riêng và không nên so sánh quá nhiều.
Đừng lo mẹ nhé, bé tuy nhỏ bé nhưng rất kiên cường. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, sự chăm sóc đặc biệt và tình yêu thương vô bờ bến từ ba mẹ, bé sẽ dần phát triển và vượt qua những thử thách đầu đời này. Hành trình chăm sóc trẻ non tháng đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiên trì, mẹ có thể cảm thấy áp lực và mệt mỏi khi phải đối mặt với những khó khăn này, nhưng niềm vui và hạnh phúc khi thấy bé lớn lên khỏe mạnh mỗi ngày sẽ là động lực to lớn cho mẹ.
1.3 Nguyên nhân và nguy cơ gây sinh non
✔️Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là các vấn đề về sức khỏe của mẹ trong thai kỳ. Những bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp hay các bệnh lý nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và dẫn đến sinh non. Ngoài ra, nếu mẹ đã từng có tiền sử sinh non hoặc bị sảy thai, nguy cơ sinh non ở lần mang thai tiếp theo cũng cao hơn.
✔️Các yếu tố về lối sống và môi trường cũng đóng vai trò quan trọng. Hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, uống rượu hay gặp phải căng thẳng kéo dài đều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi, dẫn đến việc sinh non. Điều kiện sống không tốt, thiếu dinh dưỡng hay phải lao động nặng nhọc trong thai kỳ cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ này.
✔️Không thể không kể đến những yếu tố không thể kiểm soát, như vấn đề về cấu trúc tử cung, cổ tử cung yếu, hoặc mang đa thai. Đôi khi, nguyên nhân dẫn đến sinh non không thể xác định rõ ràng, và điều này có thể khiến mẹ cảm thấy bối rối và lo lắng hơn.
1.4 Khi nào trẻ sinh non tháng có thể được xuất viện?
✔️Trước hết, bé cần phải tự thở mà không cần sự hỗ trợ từ máy thở hoặc các thiết bị hỗ trợ hô hấp khác. Hệ hô hấp của bé cần phải đủ mạnh để bé có thể thở đều và không gặp khó khăn khi hít thở, ổn định 48-72 giờ . Đây là dấu hiệu cho thấy phổi của bé đã phát triển đủ để hoạt động một cách độc lập.
✔️Bé phải đạt đủ cân nặng 1800 – 2000gram và phải tăng cân ổn định.
✔️Bé bú mẹ hoặc bú bình một cách đều đặn và không gặp khó khăn trong việc nuốt và tiêu hóa.
✔️Trẻ ổn định ít nhất 24 giờ về nhịp thở từ 30 đến 60 lần/phút, nhịp tim 120-160 phút/lần, nhiệt độ nách từ 36.5 đến 37.5 độ C
✔️Trẻ không bị thiếu máu (Hct>30%)
Khi bé đạt được những mốc phát triển quan trọng này và các chỉ số sức khỏe ổn định, họ sẽ thảo luận với mẹ về việc xuất viện.
✔️Mẹ cũng sẽ được hướng dẫn về cách chăm sóc bé tại nhà, bao gồm cách cho bé bú, theo dõi các dấu hiệu sức khỏe và đảm bảo môi trường sống an toàn và sạch sẽ. Đội ngũ y tế sẽ cung cấp cho mẹ những thông tin cần thiết và trả lời mọi thắc mắc để mẹ cảm thấy yên tâm hơn khi đưa bé về nhà.
2. Hướng dẫn chăm sóc cơ bản cho trẻ sơ sinh non tháng tại nhà
Cách bế trẻ
✔️Khi bế bé sinh non, mẹ cần rất nhẹ nhàng và nâng niu vì bé còn rất nhỏ và yếu. Hãy luôn đỡ đầu và cổ của bé bằng một tay, tay kia đỡ dưới mông và lưng bé. Mẹ nên giữ bé gần gũi với cơ thể mình để bé cảm thấy an toàn và ấm áp. Phương pháp tiếp xúc da kề da không chỉ giúp bé cảm thấy thoải mái mà còn giúp bé ổn định nhịp tim và hô hấp.
Cách thay tã
✔️Thay tã cho bé sinh non cũng cần sự cẩn thận. Mẹ nên chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ trước khi bắt đầu để không làm bé chờ đợi quá lâu. Đầu tiên, mẹ nhẹ nhàng cởi bỏ tã cũ và lau sạch vùng da dưới tã bằng khăn ướt không chứa cồn hoặc bông gòn ẩm. Hãy chú ý lau nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương làn da mỏng manh của bé. Sau đó, mẹ hãy để da bé khô tự nhiên hoặc dùng khăn mềm thấm khô trước khi đặt tã mới. Đảm bảo rằng tã không quá chặt để bé cảm thấy thoải mái và không bị hăm da.
Cách tắm cho trẻ
✔️Trước tiên, mẹ hãy nhớ rửa tay thật sạch bằng xà phòng và nước ấm trước khi tiếp xúc với bé. Điều này giúp giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh cho bé. Mẹ cũng nên cắt móng tay ngắn và tránh đeo trang sức khi chăm sóc bé để không làm tổn thương làn da nhạy cảm của bé.
✔️Khi tắm cho bé, mẹ nên chọn thời điểm bé đang thoải mái và không quá đói hay quá mệt. Sử dụng chậu tắm nhỏ và nước ấm, nhiệt độ khoảng 37-38 độ C là phù hợp. Chuẩn bị một chiếc khăn mềm, và sữa tắm dành riêng cho trẻ sơ sinh.
✔️ Mẹ hãy giữ bé thật chắc chắn, đầu và cổ luôn được đỡ bằng tay. Khi tắm, mẹ hãy nhẹ nhàng dùng khăn mềm thấm nước và lau từng phần cơ thể bé, bắt đầu từ đầu xuống chân. Hãy chú ý đặc biệt đến các nếp gấp trên da bé để tránh tích tụ bụi bẩn và vi khuẩn. Sau khi tắm xong, mẹ hãy nhanh chóng lau khô và ủ ấm bé trong chiếc khăn mềm.
✔️Ngoài ra, mẹ cũng nên thường xuyên kiểm tra và làm sạch các khu vực khác như mắt, tai và rốn của bé. Dùng bông gòn ẩm lau nhẹ nhàng xung quanh mắt và tai, và làm sạch rốn bằng cồn y tế nếu cần thiết, theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cho trẻ ăn
✔️Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất cho bé sinh non. Không chỉ chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, sữa mẹ còn giàu kháng thể giúp bé chống lại các bệnh nhiễm trùng và tăng cường hệ miễn dịch non yếu. Nếu bé không thể bú trực tiếp, mẹ có thể vắt sữa và cho bé bú qua bình hoặc ống thông mỗi ngày từ 8-12 lần. Mỗi giọt sữa mẹ đều quý giá, cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng thiết yếu giúp bé phát triển tốt hơn mỗi ngày.
✔️Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sữa mẹ có thể không đủ hoặc bé cần bổ sung thêm dinh dưỡng, sữa công thức đặc biệt dành cho trẻ sinh non sẽ là một lựa chọn hữu ích. Sữa công thức dành cho trẻ sinh non được thiết kế đặc biệt để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cao hơn của bé. Nó chứa nhiều protein, vitamin và khoáng chất hơn so với sữa công thức thông thường, giúp bé tăng cân và phát triển mạnh mẽ. Mẹ có thể kết hợp sữa mẹ và sữa công thức để đảm bảo bé nhận được đầy đủ dưỡng chất cần thiết.
Cho bé ngủ
✔️Trẻ sinh non thường cần nhiều thời gian ngủ hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Bé có thể ngủ từ 18 đến 20 giờ mỗi ngày, nhưng giấc ngủ của bé thường ngắn và không liên tục. Điều này có thể khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi và lo lắng, nhưng hãy yên tâm rằng đây là điều hoàn toàn bình thường đối với bé sinh non.
✔️Để giúp bé có giấc ngủ ngon và an toàn, mẹ hãy tạo ra một môi trường ngủ yên tĩnh và ấm áp. Hãy đặt bé nằm ngửa trên một tấm đệm cứng và bằng phẳng, không có gối, chăn dày hay đồ chơi xung quanh để tránh nguy cơ ngạt thở.
✔️Nếu trẻ sinh non, cân nặng dưới 3500gr thì tốt nhất ba mẹ nên đợi bé khoảng 1 đến 2 tháng tuổi mới có thể dùng điều hòa.
✔️Một thói quen giúp bé cảm thấy an toàn và dễ đi vào giấc ngủ là bọc bé trong một chiếc chăn mềm, nhẹ. Việc bọc chăn giúp bé cảm thấy ấm áp và an toàn như khi còn trong bụng mẹ.
✔️Kiểm tra thường xuyên để đảm bảo bé luôn an toàn và thoải mái. Hãy lắng nghe nhịp thở của bé và đảm bảo rằng bé không bị quá nóng hay quá lạnh.
Cho trẻ bú đúng cách
✔️Đối với những bé sinh non, việc bú mớm có thể gặp nhiều khó khăn hơn do hệ tiêu hóa và phản xạ bú chưa hoàn thiện. Để giúp bé bú hiệu quả, mẹ hãy tìm một chiếc ghế êm ái, hỗ trợ lưng tốt và đảm bảo rằng mẹ có thể ngồi lâu mà không bị mỏi. Sử dụng gối đỡ cho bé để giúp bé nằm ở tư thế đúng, sao cho đầu và cổ bé được nâng đỡ cẩn thận. Mẹ có thể thử các tư thế khác nhau như tư thế bế ngang, bế dọc hoặc tư thế nằm để tìm ra tư thế nào phù hợp nhất với bé.
✔️Khi bắt đầu cho bú, mẹ hãy nhẹ nhàng chạm vào môi bé bằng núm vú để kích thích phản xạ bú. Nếu bé khó khăn trong việc ngậm bắt, mẹ có thể vắt một chút sữa ra đầu vú để bé ngửi thấy mùi sữa. Khi bé đã ngậm bắt đúng, mẹ hãy đảm bảo rằng núm vú và phần quầng vú đều nằm trong miệng bé, giúp bé có thể bú hiệu quả mà không bị mệt.
✔️Bé sinh non thường bú yếu và nhanh mệt hơn, nên mẹ hãy cho bé bú trong khoảng thời gian ngắn nhưng thường xuyên. Hãy quan sát dấu hiệu của bé để biết khi nào bé cần nghỉ ngơi. Nếu bé ngừng bú và bắt đầu ngủ, mẹ có thể nhẹ nhàng kích thích bé bằng cách vuốt nhẹ má hoặc thay đổi tư thế để bé tỉnh lại và tiếp tục bú.
3. Theo dõi và kiểm tra sức khỏe định kỳ
✔️Bé sinh non cần được khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sự phát triển và phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe. Lịch khám thường gồm các mốc 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm. Bác sĩ sẽ theo dõi cân nặng, chiều dài, chu vi đầu và các chỉ số phát triển khác của bé để đảm bảo bé đang lớn lên đúng cách.
✔️Ba mẹ cũng nên chú ý theo dõi những dấu hiệu về sức khỏe của bé hàng ngày. Nếu bé có biểu hiện như bú kém, ngủ không yên, khó thở, hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, mẹ nên liên hệ ngay với bác sĩ. Việc theo dõi sát sao các triệu chứng này giúp phát hiện sớm và xử lý kịp thời các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra.
Tiêm phòng đầy đủ cho bé
✔️Trẻ sinh non cần được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch để bảo vệ bé khỏi các bệnh truyền nhiễm. Trẻ sinh non thường được tiêm chống bệnh lao ( BCG) khi cân nặng đạt ít nhất 2000 gram. Nếu bé vẫn ở bệnh viện khi đủ cân, bé có thể tiêm trước khi xuất viện.
✔️Đồng thời, bé có thể tiêm mũi viêm gan B đầu tiên trong vòng 24 giờ sau sinh nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B. Nếu mẹ không bị nhiễm, bé có thể chờ đến khi đạt cân nặng từ 2000 gram trở lên để tiêm.
✔️Các mũi tiêm Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib và viêm gan B (6 trong 1) sẽ bắt đầu khi bé được 2 tháng tuổi, bất kể bé sinh non hay đủ tháng. Mũi tiêm này cần được lặp lại vào các tháng 2, 3, 4, và 18 tháng tuổi.
✔️Lịch tiêm chủng cụ thể có thể thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe và chỉ định của bác sĩ. Mẹ nên thảo luận chi tiết với bác sĩ để xác định lịch tiêm chủng phù hợp nhất cho bé yêu của mình.
4. Lời khuyên cho cha mẹ khi chăm sóc trẻ sinh non tháng
✔️Việc chăm sóc bé sinh non cần rất nhiều thời gian và công sức, và sự hỗ trợ từ những người xung quanh có thể giúp mẹ giảm bớt gánh nặng. Hãy chia sẻ những lo lắng và cảm xúc của mình với người thân, họ có thể không chỉ giúp đỡ về mặt thực tiễn mà còn mang lại sự an ủi tinh thần quý giá.
✔️Một trong những giải pháp hiệu quả nhất mà mẹ có thể cân nhắc là thuê điều dưỡng hoặc y tá chăm sóc bé sơ sinh tại nhà. Họ không chỉ có kiến thức chuyên sâu về chăm sóc trẻ sinh non mà còn có kinh nghiệm thực tế trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp và hỗ trợ bé trong quá trình phát triển. Việc có một y tá bên cạnh sẽ giúp mẹ cảm thấy yên tâm hơn và có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe sau sinh.
✔️Ngoài ra, mẹ cũng có thể tìm đến các nhóm hỗ trợ dành cho cha mẹ có con sinh non. Tham gia vào những cộng đồng này, mẹ sẽ gặp gỡ và kết nối với những người có hoàn cảnh tương tự. Họ có thể chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, những lời khuyên hữu ích và cả sự đồng cảm, giúp mẹ cảm thấy bớt cô đơn trên hành trình này.
✔️Đọc tài liệu liên quan cũng là một cách tuyệt vời để mẹ nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc bé sinh non. Hiện nay, có rất nhiều sách, bài viết, và tài liệu khoa học về việc chăm sóc trẻ sinh non.
5. Kết luận
Mỗi bước đi trong quy trình chăm sóc bé sinh non đều đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của bé yêu. Mẹ hãy luôn nhớ rằng, tình yêu thương và sự kiên nhẫn của mẹ là nền tảng vững chắc giúp bé vượt qua mọi khó khăn. Đừng ngần ngại chia sẻ khó khăn với người thân và nhờ giúp đỡ khi cần cũng như không ngừng tìm hiểu, học hỏi để chăm sóc bé một cách tốt nhất.
Nếu mẹ cần thêm thông tin chi tiết hoặc có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình chăm sóc trẻ sinh non, hãy liên hệ với Hera Care nhé. Đội ngũ chuyên viên chăm sóc mẹ và bé sau sinh của chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ mẹ trong hành trình chăm sóc bé yêu.
Hãy gọi đến hotline: 0565 419 999 để được tư vấn miễn phí và đặt lịch hẹn qua: 08986 58989. Theo dõi website và Fanpage Hera Care để cập nhật những kiến thức mới nhất về chăm sóc trẻ sinh non nhé!