Thời kỳ từ 4- 6 tuần lễ sau khi sinh, gọi là hậu sản. Thời kỳ hậu sản, người phụ nữ thường gặp phải vấn đề về thể chất lẫn tinh thần, trong đó, còn có nguy cơ gặp những biến chứng có thể nguy hiểm tính mạng của Mẹ sau sinh.
Nhiễm trùng hậu sản:
Có thể xảy ra nếu cuộc sanh có nhiều nguy cơ như ối vỡ non – vỡ sớm, chuyển dạ kéo dài, sanh có can thiệp, sang chấn trong lúc sanh, viêm âm đạo trong tuần cuối thai kỳ…Nhiễm trùng hậu sản có thể ở nhiều hình thái khác nhau như viêm âm hộ – tầng sinh môn, viêm nội mạc tử cung, viêm tử cung toàn thể, viêm chu cung, viêm phúc mạc – chậu, viêm phúc mạc toàn bộ và nặng nhất lá nhiễm trùng huyết. Tác nhân gây bệnh thường nhất là loại li6n cầu khuẫn (Streptococcus), trực khuẫn đường ruột (Colibacillus), tụ cầu khuẫn (Staphylococcus), Proteus vulgaris, các loại vi khuẫn yếm khí… Tuỳ theo từng hình thái nhiễm trùng sẽ có cách điều trị khác nhau. Để tránh những biến chứng này thầy thuốc nên đảm bảo cho cuộc sanh an toàn, vô trùng và phải theo dõi sát giai đoạn hậu sản để phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Băng huyết:
Băng huyết sau khi sinh là tai biến sản khoa hay gặp nhất (nguy cơ cao nhất trong 24h sau khi sinh) và là một nguyên nhân chính gây tử vong cho sản phụ.
Triệu chứng chung của các trường hợp này là chảy máu nhiều ngay sau khi đẻ thai và sổ rau. Khi máu ra nhiều, sản phụ có thể bị choáng, xanh nhợt, mạch nhanh, huyết áp hạ, khát nước, chân tay lạnh, vã mồ hôi… Tùy từng nguyên nhân (đờ tử cung, sót rau, rách đường sinh dục…) mà có thêm những triệu chứng đặc trưng khác. Phải có biện pháp can thiệp kịp thời và thích hợp cho từng trường hợp.
Một số nguyên nhân dẫn đến chảy máu sau sinh:
– Cơ tử cung yếu do đẻ nhiều lần, tử cung có sẹo mổ, u xơ tử cung, tử cung dị dạng; tử cung bị căng giãn quá mức vì đa thai, đa ối, thai to;
– Chuyển dạ kéo dài; nhiễm khuẩn ối;
– Sót rau trong buồng tử cung;
– Sản phụ suy nhược, thiếu máu, cao huyết áp, nhiễm độc thai nghén.
– Tiền sử xảy, nạo, hút thai nhiều lần;
– Từng bị sót rau viêm niêm mạc tử cung;
– Sau đẻ non, đẻ thai lưu.
– Đẻ nhanh, đặc biệt ở tư thế đứng;
– Dây rau ngắn, cuốn cổ nhiều vòng; lấy rau không đúng quy cách;
– Đỡ đẻ không đúng cách, cổ tử cung chưa mở hết mà sản phụ đã rặn.
Băng huyết là một tai biến hết sức nguy hiểm, nếu chị em thấy mình ra máu nhiều sau khi sinh hay gặp các triệu chứng trên, cần thông báo ngay cho bác sĩ biết.
Cơn đau tử cung:
Vì trong tử cung vẫn còn máu cục, sản dịch… nên thỉnh thoảng tử cung có những cơn co bóp mạnh để tống các chất dư thừa ra ngoài gây nên những cơn đau tử cung. Ở người con so thường ít gặp vì chất lượng tử cung còn tốt. Các cơn đau tử cung thường gặp ở người con rạ, càng đẻ nhiều lần càng đau vì chất lượng cơ tử cung yếu dần, tử cung càng cần phải co bóp mạnh hơn những lần trước để đẩy máu cục và sản dịch ra ngoài. Đôi khi các cơn đau tử cung này cần dùng thuốc giảm đau vì cường độ quá mạnh. Ở một số sản phụ, các cơn đau này có thể kéo dài nhiều ngày. Các cơn đau tử cung đặc biệt cũng có thể gặp khi cho trẻ bú, do oxytocin được giải phóng ra nhiều. Thông thhau sanường các cơn đau giảm dần về cường độ và sản phụ cảm thấy dễ chịu hơn vào ngày thứ 3 sau đẻ.
Nhiễm khuẩn hậu sản:
Nhiễm khuẩn hậu sản là nhiễm khuẩn xảy ra ở sản phụ sau khi sinh mà khởi điểm là từ đường sinh dục (âm đạo, cổ tử cung, tử cung vùng rau bám). Vi khuẩn gây bệnh có thể từ cơ thể sản phụ, người xung quanh, dụng cụ đỡ đẻ, thủ thuật mổ lấy thai…
Những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn: Dinh dưỡng kém, thiếu máu, nhiễm độc thai nghén, ối vỡ non, vỡ sớm, chuyển dạ kéo dài, ứ sản dịch, đã bị viêm âm đạo, viêm cổ tử cung từ trước…
Triệu chứng ban đầu có thể chỉ là sốt nhẹ (>38độC), đau tấy, mưng mủ chỗ bị viêm, sản dịch hôi, mệt mỏi, ăn uống kém… Nếu nặng, sản phụ có thể sốt rất cao, rét run, choáng, hạ huyết áp…
Có rất nhiều hình thái nhiễm khuẩn hậu sản như: nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo; viêm niêm mạc tử cung; viêm phần phụ và dây chằng rộng; viêm phúc mạc, tiểu khung; viêm phúc mạc toàn bộ; nhiễm khuẩn huyết; viêm tĩnh mạch. Mỗi hình thái sẽ có những biểu hiện đặc trưng riêng tuy nhiên nếu bạn bị sốt trong thời kì này thì phải đặc biệt lưu ý vì đây là biểu hiện ban đầu của mọi hình thái nhiễm khuẩn hậu sản.
Thiếu máu:
Hay gặp trong thời gian mang thai, nặng lên do chảy máu khi bong nhau hay mổ lấy thai chảy máu. Phải xét nghiệm máu chẩn đoán ở bệnh nhân có nguy cơ hay có dấu hiệu lâm sàng. Điều trị nguyên nhân và triệu chứng.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu:
Không phải là hiếm trong hậu sản. Có thể tái phát của nhiễm trùng có sẵn hay mới mắc trong lúc sanh do thông tiểu nhiễm khuẩn. Cần điều trị kháng sinh.
Cao huyết áp sau sanh:
Gặp ở sản phụ rối loạn cao huyết áp thai kỳ. Phải xét nghiệm chức năng thận trong 3 tháng sau sanh để điều trị và theo dõi tiên lượng.
Biến chứng tâm thần:
Hiếm gặp, xuất hiện mất ngủ, mê sảng, lo lắng sau đó là rối loạn tâm thần. Cần hội chẩn chuyên khoa tâm thần để điều trị sớm cho sản phụ. Một vấn đề thời sự hiện nay rất được quan tâm là “Trầm cảm sau sanh”.
Biến chứng muộn:
– Rong huyết: do sót nhau, polype nhau và không được quên vấn đề xuất huyết vùng nhau bám (có thể là một bệnh lý nguyên bào nuôi).
– Mất kinh: kinh thường có lại 6 – 8 tuần sau sanh ở sản phụ không cho con bú, có thể muộn hơn ở những người cho con bú nhưng nói chung khoảng 6 tháng sau sanh, nếu cho con bú kéo dài nữa mất kinh có thể tồn tại lâu hơn. Hiện tượng này có thể giải thích do prolactin và gonadotropin.
Ở phụ nữ không cho con bú prolactin giảm rất nhanh trong khi người cho con bú lại có đỉnh prolactin và giữa hai lần bú nồng độ prolactin thấp nhất cũng còn cao hơn nồng độ ở phụ nữ bình thường. Prolactin ức chế phóng noãn bằng cách ngăn chặn đỉnh LH. Chế tiết bất thường prolactin kéo dài sau khi ngừng cho bú vẫn không hành kinh, rất có thể đó là nguyên nhân gây mất kinh. Khi thấy mất kinh sau hậu sản trước khi điều trị triệu chứng phải tìm nguyên nhân xem đó là cơ năng hay thực thể.
Đôi khi mất kinh là do có thai lại trong lúc đang cho con bú.
– Vô kinh: do dính buồng tử cung trong trường hợp nhiễm trùng, hay rong huyết cần phải nạo buồng tử cung. Chẩn đoán dựa vào soi buồng tử cung hay chụp x quang tử cung – vòi trứng.
– Bệnh lý tuyến vú: Trong thời kỳ cho con bú, sản phụ rất dễ bị bệnh viêm tuyến vú, nứt vú hoặc thiếu sữa, vú tụt vào trong… do chăm sóc vú không hợp lý, nhất là với người lần đầu nuôi con. Điều này có thể ảnh hưởng không tốt tới sự tăng trưởng của trẻ cũng như sức khoẻ người mẹ.
Để tránh những tình trạng trên, sản phụ đang cho con bú cần tiến hành các biện pháp sau:
=> Bảo vệ nguồn sữa: Duy trì trạng thái tinh thần vui vẻ, xử lý tốt cuộc sống gia đình, luôn hoà thuận, tránh bị kích động. Uống nhiều nước và dùng các loại thức ăn làm tăng sữa như lạc nhân hầm chân giò, đu đủ xanh hầm chân giò, cá trắm tươi hấp, canh cá chép, canh trứng, đậu vàng hầm…
=> Đề phòng tắc sữa: Sữa tắc là nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm tuyến sữa, phần nhiều là do vú không sạch, trẻ bú không đủ gây ra. Nếu sữa quá nhiều mà trẻ lại bú ít thì phải vắt cạn lượng sữa thừa, mỗi ngày dùng khăn bông thấm nước ấm lau chùi vú 3-4 lần, xoa nhẹ để đề phòng vú căng to sệ xuống.
=> Đề phòng nứt vú: Núm vú có thể bị nứt, thậm chí loét, chảy máu do vú không sạch, thời gian mỗi lần cho trẻ bú quá dài, trẻ dùng hết sức mút vú đã hết sữa. Để đề phòng hiện tượng này, trong thời kỳ cho bú cần phải giữ vệ sinh đôi vú bằng cách lau rửa vú trước và sau khi cho bú, đồng thời xoa bóp cho sữa lưu thông. Không nên cho trẻ bú quá lâu, không để trẻ mút vú khi không có sữa.
Nếu sữa quá nhiều thì phải vắt bớt ra. Động tác vắt phải nhẹ nhàng, không dùng lực để vắt.
Nếu đầu núm vú tụt vào trong thì dùng tay kéo nhẹ đầu núm vú ra mỗi khi tắm, hoặc khi nào sản phụ thấy thuận tiện.
Theo Eva