Tắm bé luôn là một công việc đòi hỏi chuyên môn, tuy nhiên, hiện nay nhiều gia đình cha mẹ thường tự thực hiện để gắn kết tình cảm với con mình. Bác sĩ cho hay: Vấn đề này luôn được ủng hộ, tuy nhiên các bậc phụ huynh cần lưu ý:
Những bước tắm cho trẻ sơ sinh
- Quy trình cha mẹ tắm bé sơ sinh theo hướng dẫn của chuyên gia, bác sĩ bao gồm các bước dưới đây
- Pha nước ấm vào thau, phải chắc chắn nhiệt độ của nước trong 37 – 38°C (bằng cách sử dụng nhiệt kế chuyên dụng)
- Dùng khăn bông to quấn quanh người bé, ôm chặt bé, ngửa đầu.
- Dùng khăn bông nhỏ nhúng nước lau mặt bé theo trình tự: 2 mắt, mũi, mặt, 2 tai. Mẹ có thể lau mắt theo trình tự từ trong khóe mắt kéo khăn ra ngoài hai bên tai, đổi mặt khăn lau mắt còn lại.
- Làm ướt tóc, gội đầu bé bằng xà phòng dịu nhẹ với làn da nhạy cảm của bé, dùng khăn mềm để thấm nước, sau đó xả lại với nước ấm sạch.
- Lau khô tóc ngay sau khi xả sạch nước.
- Bỏ khăn bông đang quấn quanh người bé.
- Cho người bé vào thau nước, một tay luôn đỡ đầu bé, tay còn lại tắm từ cổ xuống chân.
- Xong nhẹ nhàng nhấc bé ra khỏi thau nước. Đặt trẻ vào khăn bông to đã trải sẵn, lau khô người bé.
- Mặc quần áo sạch vào cho bé.
Những lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh:
Thời điểm tắm cho trẻ
Tắm cho trẻ sơ sinh không chỉ giúp làm sạch cơ thể trẻ mà còn có thể giúp thúc đẩy quá trình lưu thông máu được dễ dàng hơn. Bạn có thể tắm cho trẻ vào bất cứ thời gian nào trong ngày. Nhưng lựa chọn khoảng thời gian trước giờ ngủ và trước khi cho trẻ ăn từ 1 đến 2 tiếng để tránh cho trẻ bị trớ sữa, thời điểm đó cũng là lúc tốt nhất giúp bé yêu được thư giãn và ngủ sâu hơn. Nên sử dụng bồn tắm hoặc thau tắm chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh và chú ý là nên làm sạch bồn tắm và tráng bằng nước nóng để diệt khuẩn.
Địa điểm tắm cho trẻ
Ðể bé cảm thấy thoải mái, Cha Mẹ nên tắm cho trẻ ở những nơi ấm áp, kín đáo, tránh gió lùa. Tắm cho trẻ sẽ dễ dàng hơn với tư thế đứng ở một chậu tắm cao vừa phải (cỡ đến ngực là vừa); không nên tắm quá nhiều nước, nước trong chậu chỉ cần cao 15cm là được.
Nước tắm cho trẻ
Da của trẻ sơ sinh vô cùng nhạy cảm, mỏng manh và rất dễ bị bỏng. Chính vì vậy, khi cha mẹ tiến hành tắm cho trẻ cần phải kiểm tra nhiệt độ của nước, nhiệt độ nước vừa phải là từ 37-38 độ C, tốt nhất là canh chỉnh nhiệt độ nước bằng nhiệt kế chuyên dụng. Khi pha nước tắm cho trẻ, nên cho nước lạnh trước rồi cho nước nóng sau.
Nâng đỡ trẻ khi tắm
Khi tắm cho trẻ, bạn nên sử dụng tay trái để đỡ phần đầu giúp trẻ cố định phần đầu, cho trẻ cảm giác an toàn, tay phải đỡ thân của em bé. Sau đó, dùng tay phải để rửa nhẹ nhàng phần đầu và vành tai của trẻ. Bạn nên chú ý tránh để nước chảy vào tai của bé.
Dùng khăn mềm để ủ ấm trẻ sau tắm
Da của trẻ sơ sinh rất mỏng manh, nhạy cảm, vì vậy không thể dùng những chiếc khăn thô cứng vì dễ gây tổn thương cho làn da của trẻ. Người lớn hãy dùng những chiếc khăn mềm mại và lớn một chút để có thể vừa quấn bé, vừa dùng phần còn lại của khăn để làm khô người cho trẻ.
Một lưu ý nữa rất quan trọng mà các chuyên gia nhi khoa đưa ra, đó chính là không nên dùng khăn đã lau bộ phận sinh dục của trẻ để đưa lên lau mắt. Điều này có thể khiến trẻ bị nhiễm khuẩn và ảnh hưởng tới sức khỏe.
Khi dùng khăn để lau khô cơ thể trẻ, người lớn chỉ nên dùng khăn khô một mặt, không nên đã lau một mặt rồi lại lật mặt kia lại để lau, như vậy trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh.
Cách rửa mặt cho trẻ
Rất nhiều mẹ không chú ý, thường dùng khăn rửa hai bên má của trẻ sau đó tiến dần vào bên trong là lau mắt và sống mũi. Tuy nhiên cách làm này lại hoàn toàn không đúng.
Phần mắt của trẻ là bộ phận nhạy cảm nhất trên khuôn mặt nên cần phải được ưu tiên rửa trước tiên. Khi rửa, người lớn phải thật nhẹ nhàng, sau đó rửa phần sống mũi và hai bên má.
Làm sạch rốn cho trẻ
Sau khi trẻ được sinh ra, mỗi ngày trong khi tắm, người lớn nên dùng khăn hoặc tăm bông nhúng cồn 75% để làm sạch bụi bẩn, giữ cho rốn của trẻ luôn sạch sẽ.
Nếu phát hiện rốn của trẻ sưng hoặc có mủ, người lớn cần nhanh chóng đưa trẻ đi gặp bác sĩ để khám và chẩn đoán bệnh nhanh nhất.
Có một số trẻ thích tắm và thích nước. Số khác lại ghét tắm. Nếu bé không thích tắm thì có thể giảm số lần tắm xuống tối thiểu trong mỗi tuần.
Ngoài ra, khi tắm, Cha Mẹ cũng nên trò chuyện với bé để bé quen với việc tắm rửa và tình cảm mẹ con thêm gắn bó.
Những lưu ý tắm trẻ sơ sinh trên đây hy vọng sẽ giúp cho các cha mẹ có thêm kinh nghiệm chăm sóc cho con mình tốt nhất. Chú ý quan trọng nhất khi tắm cho trẻ sơ sinh là các mẹ không được rời mắt khỏi bé để tránh những trường hợp xấu xảy ra.
Nếu cần thêm tư vấn có thể gọi Hotline Heracare: 0 8986 5 8986